Labels

English (13) Vietnamese (10)

Pages

Thursday, February 20, 2014

CHOÉ (NGUYỄN HẢI CHÍ)




CHÓE - hình chụp năm 1993.

CHOÉ (NGUYỄN HẢI CHÍ) (1943 - 2003)

1943: Sinh tại An Giang.
2003: Từ trần tại Virginia, Hoa Kỳ.


Choé là một cây hí hoạ danh tiếng quốc tế, một họạ sĩ sáng tác và bán được nhiều tác phẩm: Tranh sơn dầu, tranh la, tranh giấy dó. Ông còn viết văn, làm thơ và sáng tác nhạc.

Khoảng cuối năm 1970, tôi gặp Choé lần đầu ở Toà Soạn Nhật Báo “Báo Đen” ở đường Cống Quỳnh Sài Gòn. Lúc đó Choé vẽ hí hoạ cho vài tờ báo ở Sài Gòn. Mấy năm sau, Choé trở trành cây bút hí hoạ lừng lẫy thế giới.

Phòng tranh Tự Do khai trương ngày 24-06-1989. Tháng 7 năm 1989, lần đầu chúng tôi mua 20 bức tranh lụa của Choé. Đó là những bức tranh đầu tiên trong bộ sưu tập của Phòng Tranh Tự Do.
ĐI CHỢ - Màu nước trên lụa - 42cm x 60cm (1994)




Tranh lụa của Choé rất khác tranh lụa của đa số các hoạ sĩ miền Nam. Các họạ sĩ miền Nam xuất thân từ Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, trung thành với phong cách Lê Văn Đệ: trong trẻo, thơ mộng. Vốn là một hoạ sĩ tự học, lại học rất nhanh và ông quen với bút pháp phóng khoáng của hí hoạ, nên Choé vẽ tranh lụa cũng nhanh như khi Choé vẽ hí hoạ, nét bút mạnh mẽ, dứt khoát với những mảng màu thoải mái. Có nhiều người cho rằng tranh lụa của Choé không đúng vi tranh la truyền thống Việt Nam. Choé cũng đồng ý với nhận xét trên. Ông cho rằng đây là cách vẽ riêng của ông. Tranh lụa của Choé được các nhà sưu tập đặc biệt yêu thích và nhanh chóng trở thành “best seller” (bán được nhiều nhất) trong phòng tranh Tự Do. Về sau, Choé vẽ thêm tranh giấy dó Việt Nam và giấy “sín chỉ” của Trung Quốc, theo phong cách tranh màu nước riêng của Choé (giống như tranh lụa của ông), và tiếp tục được ưa chuộng.

ĐÔI BẠN - Sơn dầu trên bố - 100cm x 100cm - (1990)


Một trong những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Choé là bức “Phong Cảnh Cao Nguyên”,sáng tác năm 1965. Bức tranh này ông tặng người yêu, và sau này trở thành người vợ chung thuỷ của ông. Năm 1985, trở về từ trại cải tạo, ông vẽ bức “Chân Dung” vợ.

Cuối năm 1989, ông mang đến Phòng Tranh Tự Do bức “Mẹ Gà Con Vịt”  sáng tác năm 1989, mở đầu cho lot tranh sơn dầu của Choé, với bút pháp mạnh mẽ và phóng khoáng cố hữu của ông. Từ đó, tranh sơn dầu của ông được trưng bày thường xuyên ở Phòng Tranh Tự Do và luôn luôn được các nhà sưu tập ưa thích.

MẸ GÀ CON VỊT - Sơn dầu trên bố - 1989 (Sưu tập Mr. Matsukawa, Nhật Bản)


Ông cũng tổ chức và tham dự các triển lãm trong và ngoài nước. Ông vẽ nhiều bộ tranh theo chủ đề như:

-      “Văn Nghệ Sĩ Miền Nam”, 37 bức chân dung và tranh hí hoạ. Triển lãm tại Katrineholm, Thuỵ Điển năm 1989; Triển lãm tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (Hoa Kỳ) năm 1990, Washington DC, Hoa Kỳ và tại Toà Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ,Washington DC, Hoa Kỳ. (Bộ sưu tập của Ông Bà Lê Hà Vĩnh, Hoa Kỳ)

-      “Những Tổng Thống Mỹ” 41 tranh sơn dầu 110cm x 140cm, năm 1993. (Bộ sưu tập của Bà Nancy Phạm, Hoa Kỳ)

-      “Phụ Nữ Nước Tôi”, 10 bức hoạ, bút sắt và màu nước trên giấy. Ông vẽ 10 bức tranh này khi được mời tham dự cuộc triển lãm “Hí Hoạ Châu Á” tại Tokyo, Nhật Bản, năm 1995, gồm 10 nước Châu Á, kể cả chủ nhà Nhật Bản. Mỗi nước một hoạ sĩ, mỗi hoạ sĩ gồm 10 bức. (Bộ sưu tập của Gia Đình Hoạ Sĩ Choé)

XÍCH LÔ - Tranh Hí Họa  (1995) (Sưu tập của Gia Đình Họa Sĩ)


-      “Những Nhân Vật Việt Nam”,  57 tranh sơn dầu trên bố 50cm x 65 cm, triển lãm năm 1995 tại TPHCM, Việt Nam. (Bộ sưu tập của Ông Hàn Đức Minh, TPHCM, Việt Nam).

-      “Hoạ Thơ Hồ Xuân Hương”, 27 tranh sơn dầu trên bố 77cm x 77cm, triển lãm năm 1996, TPHCM, Việt Nam. (Bộ sưu tập của Bà Vĩnh Hậu, nhũ danh Phan Thị Thu Mai, TPHCM, Việt Nam).

-      “Những Phụ Nữ Nobel” 40 tranh sơn dầu trên bố 70cm x 85 cm, triển lãm năm 1996 tại TPHCM, Việt Nam. (Bộ sưu tập của Bà Vĩnh Hậu, nhũ danh Phan Thị Thu Mai, TPHCM, Việt Nam)

-      “Cảnh Quan Mùa Hạ 1998” (Vision d’Éte 1998)  20 tranh sơn dầu trên bố, sáng tác năm 1998, khi ông sang Pháp trị bệnh và triển lãm tại Toà Thị Chính Thành Phố Savigny Le Temple, Pháp. (Bộ sưu tập của Gia Đình Hoạ Sĩ Choé)

THÁP EIFFEL -Sơn dầu trên bố - 61cm x 50cm (1998) (Sưu tập của Gia Đình Họa Sĩ)



-      “Chân Dung Văn nghệ Sĩ” 28 tranh sơn dầu trên bố, sáng tác trong hai năm 2000 và 2001, là bộ tranh sơn dầu sau cùng của ông. Đây là bộ sưu tập của Phòng Tranh Tự Do, đã được triển lãm năm 2006 tại Phòng Tranh Tự Do, Việt Nam. Trong triển lãm này có thêm 2 bức ông vẽ từ trước, 1 tranh sơn dầu (Nhạc Sĩ Trần Tiến, 1993) và 1 tranh lụa (Ca Sĩ Bảo Yến, 1990)

Văn Sĩ HỒ BIỂU CHÁNH - Sơn dầu trên bố - 60cm x 60cm (2001)

Ca Sĩ BẢO YẾN - Màu nước trên lụa - 59cm x 42cm (1990)



-      “TRANH CỦA CHOÉ” triển lãm tháng 4 năm 2013, gồm những tranh sơn dầu, tranh màu nuớc trên lụa, trên giấy dó của Choé trong bộ sưu tập của Phòng Tranh Tự Do và đặc biệt giới thiệu hai bộ tranh “Phụ Nữ Nuớc Tôi” và “Cảnh Quan Mùa Hạ 1998” thuộc sưu tập của Gia Đình Họa Sĩ, đã triển lãm ở nuớc ngoài, nhưng chưa triển lãm trong nuớc.


Tuy chỉ học đến lớp 3 truờng làng, nhưng vào thời thơ ấu khó khăn,từ cậu bé chăn vịt, bán kem để nuôi thân, Choé đã mải mê dùng cọng sậy, que kem vạch xuống đất những hình ảnh quen thuộc chung quanh, đặc biệt chú ý đến những khía cạnh ngộ nghĩnh, khôi hài. Cuộc đời tuy đắng cay, nhưng từ đó nảy sinh không thiếu cảnh hài hước, cười ra nước mắt. Bất cứ hình ảnh, ý tưởng nào dưới bàn tay Choé, lập tức chuyển thành một câu chuyện “chọc cười” thú vị. Choé chỉ muốn chọc cười thiên hạ, không chê bai ai, nên muốn dùng chữ HÍ HỌA, thay vì BIẾM HỌA.

      Không ít tác phẩm thuộc giòng tranh nghệ thuật sáng tác sau này của Choé cũng ảnh hưởng từ thói quen chuyển mọi thứ thành hài hước của ông.

Choé đã cống hiến cho Hội Họa Việt Nam và những người yêu nghệ thuật của ông những sáng tác chân tình với bút pháp đặc biệt của một tài năng thiên phú.

 
ALFRED NOBEL I - Sơn dầu trên bố - 50cm x 70cm (1994)
 


CHIM - Sơn dầu trên bố - 130cm x 220cm (1995) (Sưu tạp Ms. Chia Sok Kheng, Singapore)


THIÊN NHIÊN VÀ SỰ SỐNG - Sơn dầu trên bố - 130cm x 220cm (1995) (Sưu tập Mr. Chan Le, USA



ÚT TRÀ ÔN - Sơn dầu trên bố - 50cm x 55cm (2001)


HÀN MẶC TỬ - Sơn dầu trên bố - 60cm x 60cm (2001)



No comments:

Post a Comment