GẶP GỠ MÙA HẠ 2014 - tranh
trừu tượng của bốn hoạ sĩ:
1.- Hoạ Sĩ Nguyễn Duy Linh (Sinh năm 1955 –
Huế, hiện là Giảng Viên Khoa Hội Hoạ Trường Đại Học Nghệ Thuật Huế):
MÙA THU BAY
25 – sơn
dấu/bố - 100cm x 100cm. Hoạ sĩ Nguyễn Duy Linh
Mùa thu
êm dịu, giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa hè nóng bỏng và mùa đông lạnh giá, làm
trổi dậy cảm xúc sâu thẳm của nghệ sĩ. Những giao động của giây phút giao thời
như cứ bay không ngừng như muốn kéo dài hơi thở mùa thu. Gió bay, mây bay,
sương bay, lá bay… Cả mùa thu Huế đang bay.“ Mùa Thu Bay” là cảm xúc của người nghệ sĩ trong
cuộc, vẽ thành những bức tranh thơ mộng với bút pháp bay bướm của ông, níu giữ
lại những khoảng khắc tuyệt vời.
MÙA THU BAY 29 – sơn dấu/bố - 130cm x
100cm. Hoạ sĩ Nguyễn Duy Linh
2.- Hoạ sĩ Lê Thánh Thư (sinh năm 1956, Qui Nhơn, sống và làm việc
tại Sài Gòn).
PHONG CẢNH 02 – sơn dấu/bố - 75cm x
75cm. Hoạ sĩ Lê Thánh Thư
Lê Thánh Thư là một
nhà thơ trước khi cầm cọ. Theo dòng thời gian, Lê Thánh Thư vẽ tranh theo nhiều
phong cách: Ấn tượng, Biểu hiện, Trừu tượng, Đương đại…Tuy đã là một họa sĩ tài
năng được công nhận, ông vẫn tiếp tục
làm thơ và không bao giờ có ý định từ bỏ thơ. Vì vậy, tranh ông mang đậm nét
thi ca trữ tình là điều dễ hiểu.
Loạt tranh phong
cảnh của Lê Thánh Thư sáng tác ở thập niên 90 thanh thoát nhẹ nhàng như dải mây
trắng trên bầu trời quang đãng, dẫy núi mờ nhạt trên sóng nước nhấp nhô…những
phong cảnh không cụ thể, không địa chỉ, hình ảnh trong trí tưởng tượng của một
nhà thơ.
QUÊ NHÀ – sơn dấu/bố - 135cm x 65cm.
Hoạ sĩ Lê Thánh Thư
3.- Họa sĩ Kato Shojiro (Sinh 1954, Tokyo, Nhật Bản)
AO SEN 17 – Bột màu/giấy lụa –
97.5cm x 62.5cm. Hoạ sĩ Kato Shojiro
“Tôi chọn vẽ hoa
sen vì đây là biểu tượng Việt Nam.
Tôi có ý ghi lại ấn tượng về đất nước này, qua mắt một người nước ngoài, với
công chúng địa phương.” Shojiro nói.
Hoa sen qua Phong
Cách Nhật Bản của Shojiro khác hẳn hoa sen của họa sĩ Việt Nam khác.
Nếu không có tên
của cuộc triển lãm gợi ý, người xem có thể nghĩ đây là một loạt tranh trừu tượng.
Với màu sắc được dùng, chỉ như một chức năng để họa sĩ trải nghiệm các vật thể,
và các hình dạng được tạo ra vì chính bản thân chúng, không nhất thiết giống
hẳn thực tại, Shojiro muốn nắm bắt bản chất, chứ không phải dáng vẻ bên ngoài
của sự vật. Khảo hướng này là một minh chứng sinh động cho tinh hoa mỹ học Nhật
Bản.
Mỗi tác phẩm trong
loạt tranh này là một bản sao được thay đổi của nhau, được thể hiện với sắc màu
khác, cho thấy một loạt các thử nghiệm về cảm xúc và sự nhạy cảm mà họa sĩ thực
hiện. Điểm nổi bật của các tác phẩm này là cách thể hiện mọi vật trên một mặt
phẳng và cách sử dụng một mô hình màu nhất quán để mô tả hoa sen như những mô
típ trừu tượng, trông như những biểu tượng đặt trên một hậu cảnh lung linh –
mặt nước ao gợn sóng.
AO SEN 21 – Bột màu/giấy lụa –
97.5cm x 62.5cm. Hoạ sĩ Kato Shojiro
4.- Võ Xuân Huy (Sinh 1970, Quảng Trị - hiện là Giảng Viên
Đại học Nghệ thuật Huế)
Trước hết, chúng tôi xin xác định, danh từ sơn mài trong
bài giới thiệu nhỏ này là dành riêng cho sơn mài truyền thống, một thứ nhựa
trích từ cây sơn ta, trồng chủ yếu ở Phú Thọ. Khác hẳn với các chất liệu tương
tự như sơn mài khác.
ẤN TƯỢNG III – sơn mài – 80cm x 80cm.
Hoạ sĩ Võ Xuân Huy
Họa sĩ Việt Nam nào
cũng muốn thử sức với sơn mài. Một số họa sĩ vẽ tranh trừu tượng với sơn mài,
nhưng số lượng không nhiều.
Võ Xuân Huy dành
hẳn 5 năm để nghiên cứu, thử nghiệm và đã thực hiện hàng trăm bức tranh trừu
tượng sơn mài. Một số đặc tính của sơn mài như nhăn nheo, rạn nứt vốn bị coi
như khuyết điểm của sơn mài, nhưng Huy đã tìm đươc cách khống chế để tạo thành
hiệu ứng phục vụ cho ý đồ sáng tạo của họa sĩ.
Các bức tranh lần
này được sáng tác trong giai đoạn 2002 – 2011, đã có đủ độ chin thời gian để
các đường nét và màu sắc chôn vùi ở các lớp dưới hiện lên long lanh khi lớp
cánh gián trong dần. Giờ đây, vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng của tranh sơn mài không
một chất liệu mỹ thuật nào có thể so sánh được.
VẾT TÍCH IV – sơn mài – 80cm x 80cm.
Hoạ sĩ Võ Xuân Huy
No comments:
Post a Comment